1. Kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống là tập hợp những hành vi
tích cực cũng như khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đó ứng phó
hiệu quả với những thách thức và nhu cầu cuộc sống. Kỹ năng sống sẽ được
xây dựng trong quá trình học tập và trải nghiệm thực tế trong cuộc
sống. Với xu thế hội nhập quốc tế như ngày nay, kỹ năng sống chính là
tiêu chí mà bất cứ nhà trường, bậc phụ huynh nào cũng đều mong muốn
trang bị tốt nhất cho các em để vững vàng phát triển và trưởng thành
trong một thế giới thay đổi không ngừng.
Phát triển kỹ năng sống chính là mục tiêu quan trọng đế trong quá trình nuôi dạy trẻ
2. Tại sao phải rèn luyện các bài học kỹ năng sống cho trẻ?
Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ chính là
nhiệm vụ quan trọng vì nó ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành
cũng như phát triển nhân cách tốt đẹp sau này cho các em. Cụ thể, việc
rèn luyện kỹ năng sống sẽ mang đến những ưu điểm như sau:
- Giúp các bé sở hữu kỹ năng ứng phó trước mọi tình huống
- Hình thành thói quan, hành vi tích cực, lành mạnh
- Rèn luyện thói quen chăm sóc sức khỏe cho trẻ
- Giúp bé có thể tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm
- Hình thành ý thức tự lập cho các bé ngay từ nhỏ
- Giúp các bé quản lý cảm xúc của bản thân hiệu quả cũng như biết cách nói lên mong muốn, suy nghĩ của mình
- Giúp trẻ biết cách đồng cảm, tôn trọng và yêu thương mọi người xung quanh
- Xây dựng cho bé ý thức cộng đồng
- Hình thành tính cởi mở để bé dễ dàng hòa nhập với môi trường và bạn bè
- Hình thành kỹ năng phán đoán, cân nhắc và ra quyết định đúng đắn
- Tăng cường sự kiên trì, tự tin cho các bé
- Là “chất xúc tác" hoàn hảo cho sự thành công của bé trong học tập và cuộc sống
Từ những tầm quan trọng kể trên, ba mẹ
có thể thấy rằng kỹ năng sống là yếu tố không thể thiếu khi trẻ bước
chân vào đời, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân, sống tự lập, có ý thức
kỷ luật và mang đến những cống hiến có ích cho xã hội.
3. Các bài học kỹ năng sống cho trẻ giúp bé phát triển toàn diện
Chú trọng việc đọc sách
Sách là nguồn tri thức vô giá, là nơi để
các bé tìm tòi khám phá và học thêm nhiều điều mới lạ. Việc đọc sách có
vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển cảm xúc, ngôn ngữ cùng kỹ
năng xã hội của trẻ. Hơn nữa, đọc sách còn giúp rèn luyện những đức tính
tốt cho trẻ như tự giác, điềm đạm. Do đó, rèn luyện thói quen đọc sách
cho trẻ chính là một trong những kỹ năng cần thiết mà ba mẹ, nhà trường
cần xây dựng cho trẻ từ sớm.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ chính là một trong những kỹ năng cần thiết
Kỹ năng kết nối - giao lưu với bạn bè
Kết bạn chính là một trong những kỹ năng
sống cần thiết mà trẻ cần được rèn luyện ngay từ thời thơ bé. Bởi tình
bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con
người. Việc thiếu đi những mối quan hệ ngoài xã hội sẽ gây ra những ảnh
hưởng tiêu cực với tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Do đó, ba mẹ
cần giúp trẻ hình thành kỹ năng kết nối và giao lưu với bạn bè bằng một
số phương pháp như sau:
- Tạo cơ hội để các bé được gặp gỡ bạn bè
- Mời bạn của trẻ đến nhà chơi
- Không dạy trẻ theo kiểu độc tài
Để trẻ tự giải quyết những mâu thuẫn,
xung đột với bạn bè. Nếu mọi chuyện đi quá xa thì ba mẹ có thể can thiệp
để hướng trẻ cách xử lý phù hợp nhất
Kỹ năng làm việc nhóm – teamwork
Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp các bé chủ
động trong học tập và sở hữu thành tích học tốt hơn. Khi làm việc nhóm
bé sẽ có cơ hội học tập từ những người bạn của mình, bù trừ ưu khuyết
điểm cho nhau. Qua đó, giúp hình thành khả năng tư duy sáng tạo, phát
triển cá tính riêng, xây dựng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và sự
tự tin trong giao tiếp,... Để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, ba mẹ có
thể áp dụng những cách thức sau:
- Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoại khóa ở trường
- Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho bé tại nhà như cùng anh/ chị/ em của bé dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp áo quần,...
- Tạo điều kiện để bé chơi những môn thể thao mang tính đồng đội cao
Kỹ năng tôn trọng và giúp đỡ người khác
Giúp đỡ và tôn trọng người khác chính là
những phẩm chất tốt đẹp của mỗi người. Sự tử tế và lòng tốt sẽ đưa mọi
người đến gần nhau hơn, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, ba mẹ cần giáo dục kỹ năng tôn trọng và giúp đỡ mọi người ngay từ
lúc các em bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh cũng như có ý
thức kiểm soát hành vi của mình. Ba mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng quan tâm,
giúp đỡ người khác bằng cách giúp trẻ nhận thức về tình yêu thương thông
qua những câu chuyện về sự tử tế hay hình ảnh, tin tức về lòng nhân ái.
Khi trẻ hiểu rõ thế nào là tình thương, ba mẹ nên khuyến khích bé thể
hiện điều đó thông qua những hành động cụ thể như chăm chó, mèo, hoạt
động tình nguyện,... Ngoài ra, sau mỗi hành động mang tính yêu thương,
tôn trọng của trẻ, ba mẹ cần có sự khen ngợi để các bé tự hào về bản
thân, cũng như tạo động lực để trẻ phát huy tốt phẩm chất tử tế và nhân
ái của mình.
Bảo vệ môi trường và yêu thương động vật
Khi bé bắt đầu có suy nghĩ và nhận thức
về cuộc sống, ba mẹ nên dạy bé kỹ năng bảo vệ môi trường và yêu thương
động vật. Hãy cho bé hiểu rằng chúng ta chỉ có một hành tinh để sống và
nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức bảo vệ nó. Ba mẹ có thể tạo cho bé
những thói quen như chăm sóc cây, không vứt rác lung tung, tiết kiệm
điện/ nước, cho chó/ mèo ăn, dắt chúng đi dạo,... Những việc làm tuy nhỏ
nhưng sẽ giúp bé có ý thức hơn, từ đó hình thành phẩm chất tốt đẹp cho
trẻ.
Tư duy phản biện
Một trong những kỹ năng sống quan trọng
mà bé cần được rèn giũa sớm chính là tư duy phản biện. Cách tốt nhất để
xây dựng tư duy phản biện cho bé chính là cho trẻ tham gia vào các trò
chơi phong phú với kết thúc mở. Bên cạnh đó, ba mẹ cần tham gia chơi
cùng bé và đặt cho trẻ những câu hỏi dạng suy luận như “Việc gì sẽ xảy
ra nếu…”. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên để trẻ tự thực hiện các công việc của
mình, nếu cần thì ba mẹ chỉ nên gợi ý, hướng dẫn vừa đủ nhằm buộc bé
phải động não suy nghĩ. Ba mẹ cũng có thể khuyến khích bé suy nghĩ theo
nhiều chiều hướng khác nhau, đưa ra những phản biện để thuyết phục ba
mẹ.
Kỹ năng tự vệ cơ bản
Để trẻ được an toàn hơn khi không có
người lớn bên cạnh, ba mẹ cần dạy cho bé kỹ năng tự vệ cơ bản. Một số
yếu tố ba mẹ có thể dạy cho bé là:
- Dạy trẻ biết cách xử lý khi gặp trường hợp nguy hiểm như có người lạ theo dõi hoặc có hành vi bất thường.
- Dạy trẻ tuyệt đối không được tin tưởng người lạ
- Dạy bé kiên quyết trước những dấu hiệu của hành vi xâm hại tình dục
- Dạy trẻ bình tĩnh trước mọi tình huống
- Dạy trẻ luôn đề cao cảnh giác
- Dạy bé kỹ năng đảm bảo sự an toàn khi
tự chơi: Không đưa tay vào ổ điện, không chơi gần cửa sổ, lan can nhà
cao tầng, cách xử lý nếu bị thương,...
4. Một số phương pháp dạy các bài học kỹ năng sống cho trẻ
Muốn thiết lập bất kỳ kỹ năng nào cũng
cần đến sự rèn luyện kiên trì và thời gian. Giáo dục trẻ cũng thế, việc
xây dựng kỹ năng sống cho trẻ cần sự kiên nhẫn và không thể nóng vội. Và
để quá trình rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ được diễn ra hiệu quả ba mẹ
cần áp dụng những phương pháp sau:
- Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua những
hoạt động vui chơi. Bởi vui chơi chính là hoạt động tạo ra nhiều cơ hội
để trẻ vận dụng kỹ năng, kiến thức khác nhau nhằm giải quyết tình huống.
- Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua những sinh hoạt hàng ngày
- Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua kể
chuyện, xem phim và các hoạt động sáng tạo như hoá thân thành nhân vật
để giải quyết tốt các tình huống giả định.
- Tạo cơ hội để các bé được thể hiện bản thân
- Phụ huynh cần theo sát hướng dẫn bé thông qua việc làm mẫu, gợi ý, thúc đẩy trẻ khám phá, quan sát, tìm tòi,...
- Việc dạy các bài học kỹ năng sống cho
trẻ cần song song giữa lý thuyết và thực hành dựa trên các tình huống cụ
thể. Chính sự trải nghiệm thực tế nhiều lần sẽ hình thành thói quen cho
bé, giúp bé đúc kết được kinh nghiệm và nhận thấy rõ ý nghĩa thiết thực
của từng việc làm cụ thể.
Các bài học kỹ năng sống cho trẻ cần song song giữa lý thuyết và thực hành
5. Nguyên tắc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là gì?
Bên cạnh những phương pháp giáo dục các
bài học kỹ năng sống cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý một vài nguyên tắc để
quá trình rèn luyện được diễn ra hiệu quả nhất.
Không quá cưng chiều: Sự nuông chiều
không đúng sẽ khiến cho trẻ có thói quen dựa dẫm, ỷ lại, lâu dần sẽ trở
nên độc đoán, ích kỷ, yếu đuối.
Không can thiệp quá sâu và không gian
riêng tư của trẻ: Ba mẹ không nên đánh mất sự tự do riêng tư của trẻ
bằng cách can thiệp quá sâu vào cuộc sống của bé. Điều đó sẽ khiến bé
cảm giác bị bó buộc, lệ thuộc và mất tính tự chủ.
Không quá kỷ luật hà khắc: Giáo dục kỹ
năng sống là một quá trình dài và cần sự mềm mỏng và kiên trì. Do đó, ba
mẹ đừng quá kỷ luật hà khắc với các bé nhé. Bởi đôi khi chính sự nghiêm
khắc quá mức đó sẽ dẫn đến việc trẻ bị ức chế, khó chịu, thậm chí có
thái độ chống đổi, gây gổ với mọi người.
Tôn trọng trẻ mọi lúc, mọi nơi: Tôn
trọng trẻ cũng là một cách rèn luyện bé có thái độ tôn trọng với mọi
người xung quanh. Từ đó, sẽ giúp hình thành trong trẻ tính cách nhã
nhặn, cư xử đúng mực với mọi người trong gia đình và xã hội.
Sau bài viết này, mong rằng quý bậc phụ
huynh đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giáo dục các bài học kỹ
năng sống cho trẻ. Từ đó, giúp ba mẹ có được những kế hoạch nuôi dạy trẻ
thật tốt.