Việc lồng ghép tích hợp Đa văn hóa vào trong hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non thông qua hoạt động giáo dục âm nhạc giúp trẻ lĩnh hội kiến thức một cách thoải mái và nhẹ nhàng nhất. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống con người, nó có sức hấp dẫn kì lạ, có tác động mạnh mẽ, làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn, trong sáng hơn. Âm nhạc còn được ví như những món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống của trẻ mầm non. Bản chất của âm nhạc là niềm vui lạc quan, yêu đời và đưa con người đến với những tình cảm cao thượng. Đối với trẻ thơ, âm nhạc là nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần giúp cho trẻ cảm nhận được cái đẹp, cái thiện, niềm vui, nỗi buồn. Giai điệu trầm bổng, sự phong phú của âm hình tiết tấu, phong cách đa dạng của các thể loại âm nhạc sẽ đưa trẻ vào thế giới cái đẹp một cách đầy hấp dẫn và lí thú. Có thể coi giáo dục đa văn hóa trong nhà trường chính là hệ thống các tác động có hướng đích của nhà giáo dục đến trẻ em và đến các yếu tố có liên quan qua các chiến lược và phương thức giảng dạy phù hợp nhằm trang bị hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, về giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, hình thành thái độ thân thiện, bình đẳng, tôn trọng với người khác, dân tộc khác, phát triển khả năng giao tiếp, hợp tác, chống phân biệt đối xử… cho trẻ em.
Hoạt động được tổ chức với các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp đã trang bị cho trẻ hiểu biết về sự đa dạng văn hóa về âm nhạc của các dân tộc cùng sinh sống, cụ thể là Dân tộc vùng núi phía Bắc thông qua bài hát "Niềm vui của em". Hình thành thái độ tôn trọng giá trị truyền thống văn hóa về âm nhạc, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc, nhận biết đặc trưng một số thể loại âm nhạc phù hợp với trẻ, kỹ năng sử dụng các phương tiện nghệ thuật để thể hiện bản thân qua sản phẩm âm nhạc đã góp phần tạo nên thành công hơn của tiết học.
Thông qua hoạt động giúp trẻ có thêm hiểu biết và tôn trọng giá trị truyền thống văn hóa của vùng núi phía Bắc, yêu thích bài hát, thích nghe hát, thích hát và thể hiện mô phỏng một số động tác phù hợp với giai điệu bài hát.
Đối với trẻ mầm non, âm nhạc là thế giới kì diệu đầy cảm xúc. Tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc theo tiếp cận đa văn hóa sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển các chức năng tâm lí, năng lực hoạt động và sự hiểu biết. Giáo dục âm nhạc là giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Giáo dục âm nhạc hình thành cho trẻ lòng yêu thiên nhiên, Tổ quốc, tình yêu thương con người. Không chỉ vậy, giáo dục âm nhạc còn là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, phát triển thể chất, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, củng cố kiến thức trẻ qua học tập, vui chơi. Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, chơi trò chơi âm nhạc... sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, là sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực.