1. Kỹ năng giao tiếp
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, giúp trẻ dễ dàng hòa
nhập với bạn bè, thầy cô giáo và mọi người xung quanh. Bé có thể phát
triển ngôn ngữ tốt hơn đồng thời biết cách phản xạ và ứng xử trong các
tình huống khác nhau.
Trẻ khi lên 3 tuổi sẽ bắt đầu giao tiếp nhiều hơn. Không chỉ thông
qua hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ (nét mặt, cử chỉ, ánh mắt…) như
trước, bé sẽ bắt đầu sử dụng giao tiếp ngôn ngữ (lời nói) để thể hiện
thái độ, cảm xúc của mình. Vì vậy, đây là thời điểm rất quan trọng để bé
rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội khác.
Bố mẹ cần dạy cho bé từ việc nói đủ chữ, diễn đạt phù hợp khi nói
chuyện đến những thói quen đơn giản nhất như chào hỏi, lễ phép với người
lớn, biết cách nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, học cách nhường
nhịn… Những điều này sẽ giúp bé hình thành được lối sống chuẩn mực trong
tương lai.
>> Xem thêm: 12 Kỹ năng sống cho trẻ mầm non
2. Dạy trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Với lứa tuổi này, trẻ chưa thể tự làm mọi thứ một mình mà vẫn cần sự
giúp đỡ, hỗ trợ của bố mẹ. Tuy nhiên, đừng để bé quá phụ thuộc và dựa
dẫm mà gia đình nên dạy cho trẻ kỹ năng tự phục vụ,
chăm sóc bản thân cơ bản. Bố mẹ có thể hướng dẫn cho con làm những công
việc đơn giản hàng ngày như: tự đánh răng, mặc quần áo, chải tóc, mang
giày dép, tự vệ sinh cá nhân, đi ngủ… Đây là cách tốt nhất để bé có thể
chủ động hơn trong sinh hoạt hàng ngày, tạo nền tảng giúp con trở thành
người tự lập về sau.
3. Dạy trẻ kỹ năng sống tôn trọng, giúp đỡ người khác
Tôn trọng, giúp đỡ người khác là một trong những kỹ năng sống cần
thiết cho trẻ. Phụ huynh có thể dạy cho bé biết tôn trọng người khác
bằng cách hướng dẫn bé lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm… trong các
trường hợp cụ thể. Điều này sẽ tạo nên thói quen văn minh cho trẻ.
Với kỹ năng sống giúp đỡ những người xung quanh, bố mẹ cần tạo cơ hội
để bé có thể làm những việc đơn giản như quét nhà, dọn dẹp bàn ghế…
Trong khi làm những công việc nhỏ này, bé sẽ gần gũi, cởi mở hơn với
người lớn. Kỹ năng sống này sẽ giúp bé trở thành người có trách nhiệm,
biết quan tâm và sẻ chia trong tương lai.
>> Tìm hiểu thêm: Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
4. Dạy trẻ kỹ năng sống nói cảm ơn và xin lỗi đúng lúc
Lời cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng là một điều đơn giản nhưng đôi khi
lại bị lãng quên trong ứng xử hàng ngày. Để hình thành thói quen cần
thiết này cho trẻ, bố mẹ nên dạy cho bé cách nói lời cảm ơn và xin lỗi
đúng lúc.
Bé cần nói cảm ơn khi được nhận quà bánh, được người khác giúp đỡ hay
trong nhiều trường hợp tương tự khác. Phụ huynh hãy nói cho trẻ hiểu
được giá trị của lời cám ơn đúng lúc. Sự biết ơn của con sẽ giúp đối
phương cảm nhận được sự trân trọng, mang tới điều tốt đẹp cho người khác
và cả chính bản thân mình.
Bên cạnh lời cảm ơn thì lời xin lỗi chân thành cũng là phép lịch sự
tối thiểu cần có trong giao tiếp. Bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu vì
sao mình cần nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm. Biết nhận lỗi sẽ giúp bé
phân biệt được rõ đúng sai, phải trái để biết chịu trách nhiệm với hành
động của mình hơn. Để hiểu rõ về lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng
nơi, học sinh khối lớp 7 của trường iSchool đã đem đến tiết học rèn
luyện kỹ năng sống với chủ đề “Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi”.
5. Tư duy phản biện – Kỹ năng sống cho trẻ
Tư duy phản biện
là quá trình chủ động tiếp nhận thông tin và tìm lập luận phản bác lại
kết quả đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề, qua đó xác định lại
tính chính xác của thông tin.
Rèn luyện tư duy phản biện giúp trẻ làm chủ được kiến thức của bản
thân, đồng thời tăng khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách
kỹ càng hơn.
Phản biện không phải là cho phép trẻ tranh cãi, cãi lại người lớn,
luôn khư khư bảo vệ ý kiến của bản thân mà là để trẻ phải đưa ra lập
luận phản biện rõ ràng, logic, nhằm làm sáng tỏ vấn đề và khẳng định
tính chuẩn xác của thông tin.
Bố mẹ có thể dạy cho con kỹ năng tư duy phản biện thông qua các trò
chơi phong phú. Trong quá trình chơi cùng con, bố mẹ hãy lựa chọn những
câu hỏi mang tính gợi mở để giúp bé rèn luyện cách tư duy. Phụ huynh
cũng nên khuyến khích con đặt câu hỏi trở lại nhằm tăng khả năng phản
biện và phân tích vấn đề. Từ những hoạt động “chơi mà học” này, trẻ có
thể hình thành ý tưởng của mình, chấp nhận rủi ro, mắc lỗi và tự tìm
giải pháp. Để các bài học rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện được phát
huy một cách tốt nhất thì, trẻ cần có một nền tảng kiến thức vững chãi
từ việc đọc sách và trải nghiệm thực tế trước đó.
>> Xem thêm: 10+ Cuốn sách rèn luyện tư duy phản biện hay cho trẻ
6. Kỹ năng tự sơ cứu khi bị thương
Trẻ còn nhỏ hay chơi đùa dễ dẫn đến bị thương nhưng bố mẹ đừng quá lo
lắng và hoảng sợ quá mức. Điều cần thiết lúc này là dạy trẻ cách xử lý
tình huống tốt nhất. Nếu bé được rèn luyện tốt, khi xảy ra những trường
hợp tương tự, bé sẽ giữ được thái độ bình tĩnh dù thấy máu hay bị đau
và sẽ biết cách tự sơ cứu vết thương một cách nhanh chóng và có hiệu quả
cho mình. Phụ huynh cần dạy cho trẻ cách sơ cứu cơ bản để bé biết cách
tự bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi gặp nạn.
7. Kỹ năng sửa chữa các vật dụng cơ bản
Trẻ luôn tò mò đối với các vật dụng như: tủ lạnh, tivi, điện thoại,
máy giặt, máy tính,… bởi tính hiếu kỳ và năng động. Bố mẹ nên tận dụng
điều này để giúp bé tìm hiểu và dạy bé cách sửa chữa các vật dụng đơn
giản. Con có thể tự may lại dây balo bị đứt, đơm nút áo sút chỉ hoặc tự
sửa chữa đồ chơi của mình… Những kỹ năng này sẽ giúp bé sống có trách
nhiệm và biết trân quý những vật dụng xung quanh hơn. Con cũng sẽ rèn
luyện được khả năng tập trung và có thêm các “tài lẻ” để chủ động và tự
tin hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
8. Kỹ năng quản lý thời gian và lên kế hoạch
Việc tạo cho bé thói quen quản lý thời gian ngay khi còn nhỏ sẽ giúp
ích rất nhiều trong tương lai. Khi lớn lên, bé có thể tự sắp xếp và
quản lý công việc của mình, trở thành người sống có mục tiêu và kế
hoạch. Để giúp bé rèn luyện kỹ năng này, bố mẹ nên dạy cho trẻ cách tự
sắp xếp thời gian biểu cá nhân của mình. Bé có thể liệt kê các hoạt động
trong ngày như ngủ nghỉ, xem tivi, ăn uống, đọc sách, vui chơi… và tự
mình đảm bảo thực hiện chúng đúng giờ, đầy đủ.
9. Bơi lội – Kỹ năng sống cho trẻ
Một trong các kỹ năng sống cho trẻ được nhiều bậc phụ huynh quan tâm
hiện nay là bơi lội. Bơi lội không chỉ giúp bé phát triển về thể chất và
trí tuệ, mà còn giúp bé tăng khả năng sinh tồn trong những trường hợp
nguy hiểm như trượt chân xuống ao, hồ… Trẻ sẽ học được cách tự bảo vệ
bản thân và có thể hỗ trợ bạn bè xung quanh.
Hơn thế, bơi lội sẽ làm bé cảm thấy thích thú hơn vì có cơ hội làm
quen với một môi trường thiên nhiên, từ đó kích thích khả năng sáng tạo
của trẻ trong quá trình học tập. Vì thế, iSchool khuyến khích bố mẹ nên
đưa bé đi bơi hàng tuần để giúp bé phát triển tốt hơn.
10. Kỹ năng tự vệ
Ở giai đoạn này, trẻ thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh
nhưng lại chưa phát triển nhận thức hoàn toàn nên dễ gặp phải nhiều mối
nguy hiểm. Vì vậy, trẻ cần hiểu và biết được cách tự vệ để giúp bản
thân được an toàn khi không có người lớn bên cạnh trong các trường hợp
nguy cấp. Bố mẹ có thể cho trẻ theo học các bộ môn võ thuật tự vệ như
các như Karate, võ cổ truyền, Aikido, Vovinam,…. Những lớp học này không
chỉ dạy trẻ kỹ năng tự bảo về bản thân trước những tình huống nguy hiểm mà còn rất hữu ích cho sự phát triển thể chất và rèn luyện ý chí của bé.
11. Kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã cho bé
Trẻ nhỏ thường rất thích thú và hào hứng khi được tham gia các hoạt
động dã ngoại nhà trường tổ chức hay được đi tham quan cảnh đẹp thiên
nhiên. Tuy vậy, với lứa tuổi này, bé vẫn chưa có nhiều kỹ năng sống
trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, nếu bố mẹ muốn yên tâm hơn khi con đi
chơi xa có thể cho bé tham gia vào các lớp hướng đạo sinh hay các lớp
dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ,
con sẽ học được các kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã như cách đốt lửa, tìm
nơi trú ẩn an toàn, phát tín hiệu cầu cứu khi gặp nguy hiểm và cách di
chuyển trong rừng không bị lạc… Các kỹ năng cần thiết này sẽ giúp bé tự
tin, độc lập và xử lý tốt các tình huống xung quanh.
12. Kỹ năng tự mua đồ ở cửa hàng, siêu thị
Kỹ năng tự mua đồ ở cửa hàng, siêu thị rất cần thiết mà bố mẹ cần dạy
cho con để giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền đồng thời biết cách
sử dụng tiền sao cho hợp lý nhất. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ biết lên
kế hoạch mua sắm bằng cách cùng bé liệt kê danh sách những món đồ cần
mua, đưa con vào siêu thị giao cho bé nhiệm vụ tự tìm mua những món đồ
trong danh sách và thanh toán. Hoặc bố mẹ cũng có thể đưa cho bé tiền và
dặn mua một vài món đồ để trẻ đi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà. Những việc
làm này giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin giao tiếp với người lạ và phát
triển thêm nhiều kỹ năng hữu ích khác.