Kính thưa các bậc phụ huynh! Chế
độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non luôn là mối quan tâm hàng đầu
của các bậc phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, cũng như những
người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Nhiệm vụ hàng đầu và
có tầm quan trọng nhất đối với giáo dục mầm non đó là phát triển thể
chất cho trẻ em. Trẻ muốn học tập tốt, tự tin tham gia vào các hoạt động
khác nhau của cuộc sống thì cần có cơ thể khỏe mạnh và một trí óc minh
mẫn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ
này, hướng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong thời
đại mới.
1. Vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cơ
thể trẻ em là cơ thể đang lớn và đang trưởng thành, khái niệm lớn chỉ
sự tăng về kích thước, bao gồm sự phát triển về thể chất. Khái niệm
trưởng thành chỉ sự hoàn thiện về chức năng, bao gồm sự phát triển về
tâm thần và vận động.
Về
mặt sinh học, sự lớn lên và trưởng thành đòi hỏi phải được cung cấp đầy
đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng và chất xúc tác để kiểm soát sự biệt
hóa, tăng kích thước số lượng tế bào.
Nếu
thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm lớn, chậm phát triển. Kéo dài tình
trạng trên dẫn đến sụt cân, tiêu hao tổ chức và suy dinh dưỡng. Ngược
lại nếu thừa dinh dưỡng (chủ yếu là thừa protein, song vẫn thiếu các
chất dinh dưỡng khác) sẽ ảnh hưởng không tốt đến cấu trúc, chức phận của
tế bào, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, huyết áp,… Vì
vậy, dinh dưỡng hợp lý là vấn đề vô cùng cần thiết đối với sức khỏe của
trẻ em.
2. Sự cung cấp thức ăn cho trẻ em bao gồm số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu cơ bản về dinh dưỡng cho trẻ em.
-
Một trẻ bình thường, được nuôi dưỡng đầy đủ và hợp lý sau 6 tháng trọng
lượng cơ thể sẽ tăng gấp 2 lần, sau một năm sẽ tăng gấp 3 lần, sau 2
năm tăng gấp 4 lần so với cân nặng lúc mới sinh. Sau thời gian đó, mỗi
năm trẻ tăng khoảng 2kg.
-
Chiều cao: Trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình 49-50cm, đến 1 tuổi
chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75cm), sau đó
trung bình 1 năm trẻ tăng từ 5-7cm/năm cho tới lúc dậy thì.
-
Hệ cơ xương: Được hình thành, phát triển từ thời kỳ bào thai, vẫn tiếp
tục phát triển mạnh mẽ sau khi sinh, Nhờ đó trẻ thay đổi dần hình dáng,
cơ thể cân đối dần, các vận động của trẻ ngày càng phong phú khéo léo.
- Sự phát triển của não bắt đầu từ thời kỳ bào thai, sau khi sinh tiếp tục phát triển nhanh đến 2 tuổi đạt 75%.
- Đến 5-6 tuổi đạt 90% trọng lượng não người lớn.
-
Từ 0-6 tuổi là thời kỳ hoàn chỉnh hệ thống thần kinh trung ương và vỏ
não, quyết định năng lực trí tuệ tương lai của trẻ. Do đó, dinh dưỡng
hợp lý, chăm sóc, giáo dục đầy đủ tạo điều kiện tốt cho trẻ phát triển
và trưởng thành, góp phần quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ mầm
non khỏe mạnh, thông minh.
3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo
3.1 Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho trẻ từ 1 tháng đến 6 tuổi
-
Thức ăn cho trẻ phải từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều
(nhất là trẻ dưới 3 tuổi). Chế biến phù hợp với đặc điểm sinh lý và khả
năng tiêu hóa của trẻ (cơm mềm, dẻo, thức ăn chín mềm,…).
-
Cho trẻ ăn nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng vì dạ dày của trẻ
còn nhỏ. Phối hợp nhiều loại thức ăn để bữa ăn đủ chất và cân đối. Bữa
ăn của trẻ là bữa ăn phối hợp gồm nhiều loại thực phẩm: gạo, thịt, cá,
trứng, sữa, đậu, đỗ, dầu mỡ, rau củ, quả tươi,…
-
Thường xuyên thay đổi thực phẩm và cách chế biến món ăn để trẻ ăn ngon
miệng và ăn hết suất, lương thực, thực phẩm thay thế cần phải đảm bảo
tương đương về lượng và chất.
-
Khi thay đổi món ăn phải tập cho trẻ quen dần, tránh thay đổi đột ngột
và không cho trẻ ăn nhiều món lạ cùng một lúc vì sức đề kháng của trẻ
còn yếu, sự thích nghi với thức ăn lạ chưa cao.
- Hạn chế ăn nhiều đường: mỗi ngày không cho trẻ ăn quá 10 gam đường và tuyệt đối không ăn kẹo, bánh trước bữa ăn.
- Không nên cho trẻ ăn mì chính vì không có chất dinh dưỡng lại không có lợi.
- Cần chú ý tới vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong ăn uống để phòng tránh nhiễm khuẩn và bệnh đường ruột ở trẻ.
-
Cần cho trẻ uống đủ nước. Trẻ càng bé càng cần đủ nước. Nước uống của
trẻ cần đun sôi kỹ. Mùa đông cho trẻ uống nước ấm, mùa hè uống nước mát.
-
Rèn luyện cho trẻ có thói quen tốt trong ăn uống: Ăn đúng giờ, ăn nóng,
hợp vệ sinh, sạch sẽ. Không la mắng và phạt trẻ trước và trong khi ăn.
Không bắt ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn.
3.2 Chế độ dinh dưỡng cho từng độ tuổi từ 1-6 tuổi
* Về chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12-24 tháng tuổi;
-
Khi trẻ được 1 tuổi, bữa ăn của trẻ dần dần độc lập với mẹ, trẻ thích
nghi dần với chế độ ăn bổ sung. Cơ quan tiêu hóa của trẻ chưa thật hoàn
chỉnh, răng chưa thật đầy đủ, nhai chưa tốt. Một đứa trẻ phát triển bình
thường đến 18 tháng mới có răng cửa, răng nanh và răng hàm nhỏ thứ nhất
(khoảng 14 răng). Vì vậy, thức ăn ở lứa tuổi này cần mềm, nhừ, nhỏ, dễ
tiêu hóa với đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho
sự phát triển cơ thể nói chung, răng và bộ máy tiêu hóa nói riêng.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12-24 tháng tuổi cần lưu ý những vấn đề sau đây:
+ Vẫn cho trẻ bú mẹ vào bữa phụ hoặc vào ban đêm (từ 19 giờ đến sáng hôm sau cho trẻ bú mẹ lúc nào có thể được).
+ Trẻ ăn cháo, lúc đầu cho trẻ ăn cháo loãng, sau đặc dần (có thể cho ăn sớm hơn 1-2 tháng nếu trẻ đã chán ăn bột).
- Năng lượng cần thiết cung cấp cho trẻ: 900-1000 kcal/ngày/trẻ, ở nhà trẻ phấn đấu đạt được 60-70% nhu cầu trên.
- Một ngày ăn 5 bữa. Có thể sắp xếp như sau:
+ Mỗi bữa chính, trẻ 12-24 tháng ăn một bát cháo (khoảng 250-300g) và bữa ăn phụ, lương thực phẩm.
+ Trong thời gian ở nhà trẻ, trẻ được ăn ít nhất 2 bữa chính, 1 bữa phụ và bú mẹ hoặc uống sữa ngoài.
-
Hằng ngày, cho trẻ uống đủ nước nhất là mùa hè. Lượng nước đưa vào cơ
thể dưới dạng thức ăn và nước uống ở trẻ em 12-18 tháng là 1,3-1,5
lít/ngày.
- Những ngày hè nóng nực, trẻ kém ăn, nhà trẻ có thể thay thế 1-2 bữa cháo bằng bún hoặc phở để trẻ ăn ngon miệng.
* Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 24-36 tháng tuổi
-
Từ 24-36 tháng, cơ thể trẻ vẫn tiếp tục phát triển nhanh (tốc độ chậm
hơn khi dưới 18 tháng), bộ máy tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện. Mỗi quý trẻ
tăng 200-300 gam, chiều cao tăng 2-3cm.
-
Mặt khác, trẻ hoạt động nhiều hơn nên cơ thể tiêu hao năng lượng khá
lớn. Đến 24 tháng trẻ gần như không bú sữa mẹ nữa và đã có 20 răng sữa
nên có thể ăn được cơm thường như người lớn song phải mềm, dễ tiêu hóa
và hấp thụ. Khẩu phần ăn hằng ngày không hợp lý về số lượng cũng như
khâu chế biến chưa tốt sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa gây suy dinh
dưỡng, còi xương, thiếu máu.
-
Bước đầu, trẻ có khả năng tự phục vụ như tự xúc ăn, tự lấy nước uống.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 24-36 tháng cần lưu ý những điều sau
đây:
+ Trẻ ăn cơm nát.
+ Năng lượng cần đảm bảo cho trẻ: 1000-1300 kcal cho một ngày đối với
một trẻ. Ở nhà trẻ cần phấn đấu đạt 60%-70% khoảng 708 -826 Kcal nhu cầu
cả ngày. Năng lượng phân phối cho các bữa ăn: Bữa trưa cung cấp từ 30%
đến 35% năng lượng cả ngày. Bữa chiều cung cấp từ 25-30% năng lượng cả
ngày. Bữa phụ cung cấp khoảng 5-10% năng lượng cả ngày. Tỉ lệ các chất
cung cấp năng lượng được khuyến nghị theo cơ cấu: Chất đạm (Protit) cung
cấp khoảng 12%-15% năng lượng khẩu phần. Chất béo (Lipit) cung cấp
khoảng 35%-40% năng lượng khẩu phần. Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng
45%-53% năng lượng khẩu phần.
+ Mỗi ngày trẻ được ăn 4-5 bữa. Trong thời gian ở nhà trẻ, trẻ được ăn ít nhất 2 bữa chính và một bữa phụ.
- Cần chế biến cho trẻ ăn 2 món trong bữa ăn chính là thức ăn mặn và canh.
- Hằng ngày, cho trẻ được uống đủ nước từ 1,5-1,6 lít/ngày (dưới dạng thức ăn và nước uống).
* Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 3-6 tuổi
-
Sự tăng trưởng của cơ thể trẻ chậm lại so với những giai đoạn trước. Cơ
quan tiêu hóa của trẻ phát triển hoàn thiện hơn, chức năng vận động của
ống tiêu hóa khi trẻ 3-4 tuổi đã gần giống như ở người lớn.
-
Trẻ ở độ tuổi này thường thích ăn đồ ngọt (do có nhiều gai vị giác khắp
mặt lưỡi). Trẻ ăn đồ ngọt nhiều dễ chán các loại thức ăn khác, gây mất
thăng bằng dinh dưỡng và dễ làm hỏng răng. Vì vậy, nên cho trẻ ăn đồ
ngọt sau bữa ăn, chú ý súc miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn.
-
So với giai đoạn trước, phạm vi tiếp xúc của trẻ rộng hơn, trẻ thích
khám phá tìm tòi, bước đầu biết tự phục vụ bản thân, biết sử dụng một số
đồ sinh hoạt. Nhà trường nên phối hợp với các bậc cha mẹ giáo dục dinh
dưỡng và rèn nề nếp, thói quen ăn uống sạch sẽ, văn minh, lịch sự.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 3-6 tuổi cần lưu ý những điều sau đây:
+
Năng lượng: 1470 kcal/trẻ/ngày. Ở trường mẫu giáo phấn đấu đạt 50-60%
nhu cầu cả ngày là từ 735-882 Kcal. Năng lượng phân phối cho các bữa ăn:
Bữa trưa cung cấp từ 35% đến 40% năng lượng cả ngày. Bữa chiều cung cấp
từ 10% đến 15% năng lượng cả ngày. Tỉ lệ các chất cung cấp năng lượng
theo cơ cấu là: Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 12%-15% năng lượng
khẩu phần. Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 20%- 30% năng lượng khẩu
phần. Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 55%-68% năng lượng khẩu phần.
Bữa trưa của trẻ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi tại trường
+
Hằng ngày, trẻ được ăn 4-5 bữa, trong đó trẻ được ăn ở trường mẫu giáo
một bữa chính và một bữa phụ. Có thể cho trẻ ăn theo chế độ trong ngày
như sau:
-
Cần chú ý phối hợp nhiều loại thức ăn để bữa ăn đủ chất, sử dụng những
thực phẩm sẵn có ở địa phương; nếu có điều kiện nên tăng nguồn protein
động vật nhiều hơn, nên tăng cường sử dụng tôm, cá, cua, lươn, nhộng,
đậu đỗ thay thế thịt vì các thực phẩm này sẵn có ở địa phương.
-
Chất đạm: nên chọn những thực phẩm tươi sống, chất lượng tốt và phối
hợp với nhau, ví dụ như: trứng đúc thịt, đậu hạt nấu canh xương, óc nấu
với đậu phụ, tôm rim thịt, cá kho tương, thịt xào giá.
- Chất béo: tốt nhất là dùng dầu thực vật hoặc mỡ lợn, lạc, vừng, bơ,…
- Chất bột đường: chủ yếu là gạo, ngoài ra có thể thay thế bằng phở, bánh đa, mì, khoai tây,…
-
Sinh tố, muối khoáng: rau quả tươi là nguồn cung cấp vitamin và muối
khoáng. Ngoài ra rau còn có tác dụng chống táo bón, có lợi cho tiêu hóa
và hấp thụ.
Tùy theo mùa nên nấu hỗn hợp các loại rau trong một bữa như: rau đay + mồng tơi + mướp, khoai tây + cà rốt + su hào.
Nên
dùng các loại rau quả có màu đỏ, vàng, xanh đậm như cà chua, gấc, củ
cải đỏ, bí đỏ, đu đủ chín, chuối, xoài, rau ngót, rau dền,… vì chúng có
nhiều vitamin A, D, E,… giúp cho trẻ tăng cường sức đề kháng phòng chống
bệnh tật.
Hằng ngày cho trẻ được uống đủ nước từ 1,6-2,0 lít nước/ngày (dưới dạng thức ăn và nước uống).
Chế
độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non được chia theo từng độ tuổi,
trên cơ sở tính toán nhu cầu chất dinh dưỡng đảm bảo cho sự phát triển
của trẻ. Áp dụng chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần thực hiện 3 nguyên tắc:
Một là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho trẻ phát triển
thể chất khỏe mạnh, đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng có trong các loại
thực phẩm. Hai là tính toán khẩu phần ăn hợp lý khoa học, thực hiện chế
độ ăn uống đa dạng nhằm kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Ba là
thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế nhiễm khuẩn thực phẩm có
thể gây bệnh cho trẻ.
Chế
độ dinh dưỡng cho trẻ nếu thực hiện đúng 3 nguyên tắc trên sẽ giúp trẻ
mau lớn, tăng trưởng chiều cao và cân nặng đều đặn, nâng cao sức đề
kháng phòng chống bệnh tật. Không chỉ phát triển tốt về mặt thể chất,
chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp bé có trí tuệ minh mẫn, phát triển
thông minh và khỏe mạnh.
4. Thực phẩm và đồ uống cho trẻ mầm non cần tránh.
4.1 Thực phẩm không tốt cho trẻ
Như chúng ta đã biết ở trẻ nhỏ, mọi thứ còn non nớt, nhất là với hệ tiêu hóa và đường ruột. Vậy nên chúng ta cần lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, không chất độc hại. Để tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ, chúng ta nên tránh cũng như hạn chế những loại thực phẩm sau:
- Cá biển như cá kiếm, cá mập…do chứa hàm lượng thủy ngân cao.
- Đồ ngọt và nhiều thực phẩm có đường nếu trẻ ăn nhiều sẽ dễ tăng cân và bị hỏng răng.
-Thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến bé thừa cân.
-
Những món cứng, quá rắn ảnh hưởng đến răng của bé: hoa quả khô, các
loại hạt, bánh kẹo cứng…Tốt nhất nên cho bé ăn đồ đã được thái nhỏ, nấu
chín mềm.
- Các món ăn thịt chế biễn sẵn: Thịt
xông khói, xúc xích, lạp xưởng dù tiện lợi nhưng không dinh dưỡng chút
nào vì những loại thực phẩm này chứa nitrat, một loại chất bảo quản dùng
để ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn, tạo màu sắc và bảo quản thịt tốt
hơn. Tệ hơn, những thực phẩm này còn được chiên trong nhiều dầu nên
hoàn toàn không thích hợp cho trẻ nhỏ! Những thực phẩm này chứa nhiều
chất béo và làm tăng nguy cơ mắc bệnh . Đặc biệt các các đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
4.2. Đồ uống không “thân thiện” với trẻ mầm non
-Thức uống có ga, đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản cần hạn chế cho trẻ dùng.
-Trà và cà phê nên tránh trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ mầm non, bởi chúng sẽ làm giảm quá trình hấp thu sắt.
-
Lưu ý đối với nước ép hoa quả, các mẹ nên cân nhắc với lượng vừa phải.
Tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều lần trong ngày. Bởi trong nước hoa
quả có tính axit có thể phá hủy men răng sữa còn mỏng của bé.
-
Tuy rằng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần cân
bằng và lựa chọn đầy đủ chất nhưng không có nghĩa là bạn quá khắt khe,
quản lý nghiêm ngặt chuyện ăn uống của con. Đừng ép con ăn những món
không thích! Hãy từ từ tạo hứng thú trong mỗi bữa ăn để đạt hiệu quả
lâu dài.
Chúc
phụ huynh và các con luôn có sức khỏe tốt. Kính mong phụ huynh cùng
chung tay với nhà trường làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và
có chế độ chăm sóc nuôi dạy trẻ tốt nhất.
Nhà trường trân trọng cảm ơn./.