Thời điểm con trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng là lúc các bậc cha mẹ có
rất nhiều lo lắng. Trong số đó phải kể đến nỗi lo con khó làm quen với
môi trường mới, lo con không theo kịp các bạn. Vì vậy, nhiều phụ huynh
lựa chọn cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, cho trẻ học
trước chương trình lớp 1 có nên không và tác hại mang lại là gì? Sau đây
chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vẫn đề này:
1.Thực trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông thường khoảng
tháng 7 hằng năm các trường Tiểu học sẽ bắt đầu tổ chức tuyển sinh, và
trẻ chính thức bước vào chương trình học vào tháng 9. Tuy nhiên, trong
khoảng thời gian này, thậm chí là trước đó, thay vì tạo cho con tâm lý
thoải mái, gần gũi trò chuyện, hướng dẫn con trước khi bước vào một môi
trường mới, nhiều bậc phụ huynh lại lựa chọn đăng kí cho con các lớp học
đọc, học viết, tập tính, hoặc mời gia sư về kèm riêng, cho trẻ học
trước chương trình lớp 1.
Thực trạng phụ huynh lo lắng cho con đi học sớm xuất phát từ nhiều lý do:
- Lý do đầu tiên, là muốn con làm quen với môi trường mới. Môi trường
mầm non chủ yếu các con được chăm sóc, vui chơi, khác với môi trường
tiểu học, nơi các con bắt đầu làm quen với việc học kiến thức và có nền
nếp, kỉ luật. Bước vào lớp 1, các con bắt đầu cần tự chăm sóc bản thân,
tự lập hơn. Vì vậy, để con khỏi bỡ ngỡ, cho con học trước chương trình
lớp 1 là một lựa chọn của các bậc phụ huynh.
- Thứ hai, là tâm lý sợ con không theo kịp các bạn. Ban đầu chỉ có một
vài trẻ có khả năng tiếp thu sớm hơn, hoặc một vài trẻ học trước chương
trình. Khi con học cùng với các bạn như vậy, cha mẹ lo lắng con khó theo
kịp, dễ nảy sinh áp lực hoặc tâm lý chán nản, gây ảnh hưởng đến cả quá
trình học tập sau này của con. Từ đó, các bậc phụ huynh ngày càng cho
con đi học trước khi bước vào lớp 1 nhiều hơn.
- Thứ ba, sĩ số lớp ở bậc tiểu học thường đông hơn so với các lớp mầm
non. Do đó, cha mẹ cho rằng con sẽ ít được quan tâm hơn. Khi đi học các
lớp trước chương trình, lớp ít học sinh phần nào giúp cha mẹ cảm thấy
yên tâm vì con được kèm cặp kĩ hơn.
- Thứ tư, là do ảnh hưởng của “trào lưu”, “phong trào”, khi cha mẹ thấy
xung quanh mình các gia đình khác đều cho con theo học lớp học trước
chương trình; hoặc mong muốn con có điểm số “đẹp”, làm “đẹp” hồ sơ,
thành tích ngay từ những buổi đầu của quá trình học tập.
- Thứ năm, cũng chiếm một phần không nhỏ, là vì nhiều phụ huynh quá bận
rộn, không có thời gian để cùng con chuẩn bị hành trang, tâm lý khi vào
lớp 1. Cùng với suy nghĩ các thầy cô có chuyên môn sư phạm sẽ có phương
pháp tốt nhất cho con, nên cha mẹ gửi gắm con tới các lớp học trước
chương trình lớp 1.
Với các lý do kể trên, không khó để hiểu được vì sao ngày càng nhiều gia
đình cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Không chỉ ở những thành phố
lớn, “xu hướng” này đang dần mở rộng tới hầu khắp các khu vực trên cả
nước.
2. Tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1
Bàn luận về vấn đề này, thầy Lê Đức Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu
học Xuân Trường (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) - người có hơn 40 năm kinh nghiệm
trong nghề dạy học, với tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy
chia sẻ quan điểm của mình như sau: Chương trình cho học sinh lớp 1 được
thiết kế có khoảng một tuần đầu tiên giúp học sinh làm quen với nền
nếp, kỉ luật trong lớp học, nhà trường, các thầy cô sẽ trực tiếp chỉ dạy
và kèm cặp trẻ. Tiếp đó, học sinh được làm quen với thầy cô, bạn bè,
các thói quen trong sinh hoạt, cũng như nội quy trường lớp. Thầy cô sẽ
hướng dẫn trẻ cách sắp xếp và lấy sách vở, cách cầm bút, tư thế ngồi
học, cách trả lời khi được mời phát biểu. Bất kỳ trường tiểu học nào
cũng sẽ dạy những kỹ năng đó, vì vậy phụ huynh không nên lo lắng sợ con
khó làm quen. Đến tuần học thứ hai, học sinh được làm quen với những nét
viết cơ bản như nét khuyết, nét móc...cấu tạo nên chữ cái. Sau hai tuần
làm quen như vậy, các em bắt đầu được thầy cô giới thiệu từng chữ. Dựa
vào chương trình dạy học này, trẻ có thể làm quen và thích nghi tốt với
môi trường học tập mà không cần học trước chương trình.
Tiếp tục với ý kiến trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và
Đào tạo Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng tác hại của việc cho trẻ học trước
chương trình lớp 1 là không nhỏ.
Cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, lợi bất cập hại.
Theo ông Minh, các nhà khoa học, tâm lý, giáo dục đã nghiên cứu và chỉ
ra: 6 tuổi là độ tuổi phù hợp nhất để trẻ bắt đầu bước vào lớp 1. Đây là
thời điểm mà các yếu tố về thể lực, kĩ năng, tâm lý của trẻ sẵn sàng
nhất để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Việc cho trẻ học trước
chương trình lớp 1, khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa được hoàn
thiện đầy đủ như hệ thần kinh phát triển chưa toàn diện, hệ thống cơ -
khớp, xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập
trung nhìn chưa được bền, thời gian trẻ có thể tập trung vào thực hiện
một nhiệm vụ cụ thể còn quá ngắn,... dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, ảnh
hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm - sinh lý của trẻ sau này.
Bên cạnh đó, nếu người dạy không có chuyên môn hoặc phương pháp sư phạm
phù hợp, dễ hình thành những thói quen hoặc nhận thức chưa đúng ở trẻ.
Lúc này, việc chỉnh sửa lại cho trẻ khi chính thức bước vào lớp 1 sẽ khó
khăn hơn rất nhiều.
Nói về tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1,
ngoài những ý kiến trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục còn
đưa ra các luận điểm như:
- Trẻ học trước, biết trước nên khi bước vào lớp 1 sẽ dễ chủ quan, không
chú ý. Có thể thời gian đầu, trẻ tỏ ra vượt trội hơn so với các bạn,
giúp cha mẹ thấy yên tâm. Tuy nhiên, dần dần, trẻ sẽ giảm hứng thú,
không có động lực cố gắng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tiếp thu
kiến thức, mà còn tác động không tốt tới nhận thức, suy nghĩ của trẻ.
- Các trường Tiểu học không tổ chức các kì thi tuyển cho học sinh khi
bước vào lớp 1. Cùng với đó, việc đánh giá kết quả học tập cũng đang
được hướng tới khuyến khích, động viên, tạo hứng thú học tập cho trẻ,
không xem nặng con số. Vì vậy, không có lý do gì để phụ huynh phải lo
ngại về kết quả học tập trên hồ sơ, mà cần chú trọng hơn tới tâm lý,
thái độ tiếp thu của con.
>> Các chuyên gia đưa ra khái niệm “hiệu ứng năm thứ ba” - là hiện
tượng các trẻ học trước chương trình lớp 1 bắt đầu có biểu hiện giảm
sút học lực khi bước vào lớp 3. Nguyên nhân là do ở lớp 3, chương trình
học sẽ có nhiều điểm mới, mà các trẻ học trước chương trình lớp 1 chưa
được học. Nhưng bởi sẵn có tâm lý chủ quan, cùng hệ quả của phương pháp
giáo dục chưa phù hợp mà trẻ khó làm quen và tiếp thu. Ở lớp mầm non,
giáo dục chủ yếu là cho trẻ quan sát và thực hành thông qua các trò
chơi. Còn ở bậc tiểu học, trẻ cần học, nhớ thông qua các suy luận và tư
duy hình ảnh. Do vậy, việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là hành
động đốt cháy giai đoạn, bỏ bước trong quy trình giáo dục.
Với những lý do kể trên, các nhà giáo dục không đồng ý với quan điểm cho
trẻ học trước chương trình lớp 1. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên
rằng, thay vì quá chú trọng trang bị kiến thức - điều mà chắc chắn trẻ
sẽ được học khi vào lớp 1, cha mẹ nên chuẩn bị cho con tâm lý thoải mái,
vui vẻ, tạo hứng thú cho con đối với môi trường trường học. Bên cạnh
đó, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc: tự ăn cơm, tự thay
đồ, tự chải răng, tự sắp xếp sách vở,... hay cách biểu lộ cảm xúc, cách
biểu thị ý nghĩ thông qua lời nói sao cho trôi chảy, dễ hiểu,... Những
kĩ năng này là cực kì cần thiết khi trẻ vào lớp 1, được hình thành và
rèn luyện thông qua sự phối hợp của gia đình và nhà trường, trong một
thời gian không hề ngắn. Thông qua việc rèn luyện cho con, cha mẹ còn
trở nên gần gũi, thân thiết và hiểu con hơn, trở thành người bạn của con
trong những bước đầu tiên trên con đường học tập và cuộc sống.
3. Chương trình giáo dục mầm non.
Trong chương trình giáo dục mầm non, ở độ tuổi 5-6 tuổi trẻ đã được làm
quen với chữ cái và số. Chương trình được sắp xếp khoa học từ dễ đến khó
từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Trẻ
mầm non 5-6 tuổi sẽ được làm quen với các chữ cái và số thông qua các
trò chơi, thông qua các bài tập đơn giản phù hợp với kỹ năng của trẻ
trong độ tuổi.
Các tiết học được lồng ghép dưới dạng hình thức các trò chơi đa dạng
giúp cho trẻ hào hứng, hứng thú tham gia tiết học một cách tự nhiên.
Các tiết học được sắp xếp theo trình tự từ chữ cái dễ đến chữ cái khó
giúp trẻ tư duy logic, phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhận thức
của trẻ tạo nên sự đồng nhất từ đầu đến cuối.
Như vậy chương trình giáo dục mầm non cũng đã đáp ứng đủ những yêu cầu, tiêu chí, chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ bước vào lớp 1.
4. Phụ huynh cần chuẩn bị gì cho bé trước khi vào lớp 1 ?
Phụ huynh cần phối kết hợp với các giáo vên mầm non và tạo những điều
kiện tốt nhất để các bé có tâm thế tốt trước khi vào lớp 1:
* Chuẩn bị góc học tập và dụng cụ học tập cho bé:
Để giúp trẻ hứng thú bước vào việc học, bố mẹ cần trang bị một góc học
tập thật yên tình với đầy đủ kệ sách, bút viết, tập vở,…cho trẻ. Cũng có
thể để trẻ tự trang trí góc học tập của mình theo sở thích của bản
thân. Ngoài ra, cha mẹ có thể trang trí thêm một số thứ hay tranh ảnh,
quả đại cầu, và một số thứ khác để khi bước vào giờ học bé sẽ luôn vui
vẻ, hứng thú và say mê với việc học. Điều này cho bé thấy được tầm quan
trọng của học hành và bé sẽ phải cố gắng nhiều hơn. Cha mẹ cần lưu ý góc
học tập cần yên tĩnh, đủ ánh sáng, ít tiếng ồn và tránh xa các thiết bị
giải trí như ti vi, điện thoại, ipad,..
* Dạy bé học thuộc bảng chữ cái:
Thực tế, nhiều bé 3 tuổi đã bắt đầu làm quen với bảng chữ cái nhưng học
theo kiểu nhwos được đến đâu thì nhớ. Thế nhưng khi trẻ 5 tuổi thì bố mẹ
cần hệ thống hóa và dạy trẻ học bảng chữ cái một cách nghiêm túc, có
bài bản. Đừng ép trẻ học quá nhiều chữ một ngày, mỗi ngày chỉ nên cho
trẻ học 30 phút.
* Cho trẻ học chữ viết:
Khi trẻ đã học thuộc hết mặt chữ thì bố mẹ hãy cho trẻ bắt đầu tập viết.
Lúc này tay bé cũng đã cứng cáp nên có thể uốn nét theo ý mình. Hãy cho
trẻ tập viết bằng bút chì, bố mẹ có thể viết mẫu làm chuẩn để bé nhìn
theo để viết. Ngoài ra, có thể mua thêm vở tập viết cho trẻ luyện thêm.
Cha mẹ nhớ chỉnh dáng ngồi cũng như cách cầm bút cho trẻ sao cho đúng vì
nếu để lâu khi đã trở thành thói quen rất khó sửa.
* Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày:
Đây cũng là một cách dạy trẻ học cực kỳ hiệu quả. Ở lứa tuổi trẻ cũng đã
phát âm chuẩn, có thể ghi nhớ được các mẩu chuyện ngắn. Thậm chí một số
bé thông minh còn có thể đọc được một số từ đơn giản. Vì vậy, cha mẹ
hãy giúp trẻ củng cố và rèn luyện thêm kỹ năng đọc. Cha mẹ nên mua những
quyển truyện ngắn, nhiều hình ảnh, ít chữ, nhiều màu sắc phù hợp với
trẻ như truyện cổ tích, truyện tranh,… Khi đọc sách cha mẹ nhớ đọc thật
biểu cảm, thay đổi giọng và hóa thân vào nhân vật như vậy sẽ làm trẻ nhớ
câu chuyện lâu hơn. Hoặc sau mỗi lần kể có thể khuyến khích trẻ kể lại
câu chuyện theo trí nhớ của bản thân.
* Lồng ghép việc học chữ vào các trò chơi:
Ở độ tuổi này, trẻ thường thích chơi hơn là ngồi một chỗ để học bài. Vì
vậy khi dạy trẻ cha mẹ có thể cho bé học bảng chữ cái qua bài hát, qua
trò chơi domino. Với cách học mà chơi, chơi mà học, trẻ sẽ rất thích và
sẽ nhớ nhanh bảng chữ cái. Điều này không những áp dụng với dạy chữ cho
bé mà khi mẹ dạy bé học toán cũng thế, mẹ cũng nên tìm các trò chơi, trẻ
sẽ học tập hiệu quả hơn.
Không có cách dạy trẻ 5 tuổi học chữ nào là hoàn hảo. Vì thế, cha mẹ nên
kết hợp nhiều cách khác nhau. Có thể mua các trò chơi về lắp ghép bảng
chữ cái cho bé chơi. Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy chữ cho bé 5 tuổi ở mọi
nơi mọi lúc. Mẹ có thể dán chữ cái với nhiều màu sắc sinh động cho bé
học hoặc khi đi ra đường thấy biển hiệu quảng cáo có chữ cái mẹ có thể
hỏi bé ngay… Tất cả những điều đó sẽ giúp trẻ củng cố và có thể đọc vanh
vách mà mẹ không tốn quá nhiều công sức để dạy bé.
Trên đây là những ý kiến, phân tích bình luận của các chuyên gia giáo
dục về tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Hy vọng
các bậc phụ huynh có những góc nhìn khác hơn, sâu hơn về vấn đề này để
có được lựa chọn tốt nhất cho con em mình.